HƯỚNG DẪN LẮP ĐẶT HỆ THỐNG LẠNH

Hiện nay kho lạnh công nghiệp được sử dụng rất nhiều cho các nhà máy chế biến thủy sản, siêu thị, nhà máy nông sản,… Qua đây chúng tôi xin chia sẽ về cách lắp đặt hệ thống kho lạnh sử dụng 

 

QUY TRÌNH LẮP ĐẶT:

CÁC YÊU CẦU CHUNG

  • Việc lắp đặt phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.
  • Thi công đúng bản vẽ đã thiết kế.
  • Đảm bảo yêu cầu thẩm mỹ cao.

 

PHẦN LẠNH

  • Phải lắp đúng và đủ các thiết bị theo sơ đồ nguyên lý & bản vẽ bố trí thiết bị. Mọi thay đổi đều phải có xác nhận của người chịu trách nhiệm thiết kế.
  • Cụm máy nén dàn ngưng, bơm nước, tháp giải nhiệt phải được lắp trên khung sắt hay móng bê tông cao từ 200 mm trở lên. Khung hay móng bê tông phải bằng phẳng và phải có rãnh thoát nước.
  • Dàn ngưng giải nhiệt gió phải đặt cách tường tối thiểu 200mm.
  • Đối với dàn ngưng giải nhiệt gió hay tháp giải nhiệt phải đặt cách tường tối thiểu 500 mm.
  • Cụm máy được thiết kế đặt ngoài trời, tuy nhiên để tăng tuổi thọ cho máy thì nên làm bao che hoặc mái che bảo vệ cho cụm máy.
  • Các ống đồng phải được vệ sinh sạch bên trong và bên ngoài trước khi lắp vào hệ thống. Phải bảo quản sạch sẽ trước khi dùng.
  • Các đường ống phải đi song song hoặc vuông góc với nhau và với kết cấu xây dựng như : tường, trần, vv…
  • Đường ống phải được cố định chặt trên các giá đỡ, ở phía dưới có đệm gỗ, cao su chịu nhiệt hoặc PU có độ dày tương ứng với chiều dày bọc cách nhiệt, các giá đỡ phải được sơn chống sét. Trường hợp dùng superlon thì không cần đệm dưới. Khoảng cách các giá đỡ tùy thuộc vào đường kính ống: D > 42mm là 3m, D < 42mm là 2.5m.
  • Đường ống phải có độ dốc 2% (cứ 1m thì nghiêng 20mm) về phía máy nén.
  • Các đường ống phải được bọc cách nhiệt bằng superlon hoặc đổ foam với độ dày đúng theo bản vẽ qui định, đảm bảo kỹ thuật & thẩm mỹ.
  • Máy nén nên đặt thấp hơn dàn lạnh. Nếu máy nén đặt cao hơn dàn lạnh thì cứ mỗi 3.5m độ cao phải lắp bẫy dầu.
  • Nếu hệ thống đấu song song nhiều dàn lạnh thì đường ống hút nhánh của từng dàn lạnh phải gắn phía trên đường ống hút chính cao hơn từ 150mm trở lên.
  • Các mối hàn phải đầy, đều và thẩm mỹ. Khi hàn các van phải tháo rời ra tránh để bị hư hại & lưu ý ráp lại cho đúng.
  • Các đường ống nước giải nhiệt hay ống nước lạnh lắp đặt sao cho không tạo thành các bẩy hơi.
  • Đường ống xả nước dàn lạnh nằm trong kho phải đảm bảo độ dốc lớn hơn 15%. Nên đi thẳng ngay ra ngoài kho để tránh bị đông đá. Bên ngoài phải làm bẫy nước (con thỏ).
  • Với kho âm, đường ống xả nước phải được bọc cách nhiệt và đặt dây điện trở xả ống bên trong ống, chiều dài dây điện trở phải ra khỏi vách panel từ 100mm – 150mm.
  • Bắn silicon bên trong và bên ngoài tại các vị trí xuyên qua panel kho của đường ống điện, gas, xả nước, vv…
  • Thử bền & thử kín hệ thống bằng khí nitơ. Ap suất thử bền: đối với cao áp là 30kg/cm2thấp áp là 15kg/cm2 thời gian thử bền 5 phút. Ap suất thử kín: đối với cao áp là 24kg/cm2thấp áp là 12kg/cm2 ngâm trong 24 giờ, trong 6 giờ đầu cho phép áp suất giảm không quá 1kg/cm2, trong 18 giờ sau áp suất không được giảm, phải ghi lại biên bản thử xì để theo dõi. Với hệ thống lạnh nhỏ (<5HP) thì thời gian thử có thể rút ngắn lại còn 12 giờ.
  • Hút chân không hệ thống đến -75mmHg, duy trì độ chân không trong hệ thống trong vòng 24 giờ, trong 6 giờ đầu cho phép áp suất tăng 30%, nhưng trong 18 giờ sau áp suất không được phép tăng (công việc này chỉ thực hiện khi bọc cách nhiệt đã hoàn chỉnh). Với hệ thống lạnh nhỏ thì có thể rút ngắn thời gian lại.
  • Bảo vệ cẩn thận các thiết bị trong suốt quá trình thi công lắp đặt tránh mất mát và hư hỏng thiết bị.

 

PHẦN ĐIỆN

  • Hệ thống điện phải lắp đúng theo bản vẽ bố trí thiết bị điện và bản vẽ nguyên lý điện. Chú ý dùng kích cỡ dây cho đúng, kiểm tra chiều dài trước khi cắt.
  • Tủ điện phải lắp nơi thoáng mát, không ẩm ướt, tiện lợi khi vận hành, nếu đặt trên khung sắt thì chiều cao khung cách nền 500mm trở lên sao cho thuận tiện thao tác khi vận hành.
  • Dây điện phải được đi trong ống điện hoặc thang điện & phải được sắp xếp ngay ngắn, cố định vào thang bằng dây rút. Nguyên tắc bố trí cũng phải song song hoặc vuông góc và có giá đỡ tiêu chuẩn tương tự như bố trí đường ống gas.
  • Đường dây điện không được đi ngang qua khu vực có nguồn phát nhiệt cao. Các ống điện lắp ngoài trời phải lắp đặt sao cho nước không ngưng đọng trong ống hay lọt vào thiết bị.
  • Các đầu cos phải được bấm chắc chắn vào dây điện, độ lún của đầu cos bấm không sâu hơn 1/4 lỗ cos. Tùy loại cos mà phải tướt phần dây trần cho thích hợp.
  • Lực siết các đầu cos phải đảm bảo chặt (tham khảo bảng tra lực siết bulông hoặc liên hệ cho chúng tôi theo Hotile: 0913.221.249).
  • Các dây dẫn khi nối với nhau phải nối bằng cos nối hoặc domino và phải được quấn băng keo cách điện cẩn thận.
  • Các đầu dây phải đánh số phân biệt đầy đủ theo bản vẽ để dễ sửa chữa khi cần thiết.
  • Bắn silicon làm kín các hộp điện, nắp chụp và các vị trí đường điện xuyên panel. Đèn kho cũng phải bắn silicone tại vị trí ra dây điện.

 

PHẦN KIỂM TRA

Sau khi lắp đặt hoàn chỉnh, việc kiểm tra trước khi vận hành hệ thống bao gồm:

  • Kiểm tra đảm bảo trạng thái đúng của các van.
  • Kiểm tra điện áp.
  • Kiểm tra phần điện điều khiển: kiểm sóat hoạt động các thiết bị điều khiển.
  • Kiểm tra phần điện động lực: bao gồm chiều quay, ampe của máy nén, quạt & bơm,…
  • Kiểm tra điều chỉnh các thông số bảo vệ: áp suất, dòng diện, thời gian, …
  • Sau khi các bước trên đã sẵn sàng, tiến hành chạy thử hệ thống theo qui trình vận hành máy tương ứng cho từng loại máy.

 

 

CHẤT LƯỢNG THI CÔNG:

  • Vật tư  thiết bị cung cấp cho công trình sẽ tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật thiết kế đã đề ra. Việc thay đổi vật tư thiết bị phải được Nhà thầu đề xuất và được sự đồng ý phê duyệt của đại diện Chủ đầu tư trước khi đưa vào lắp đặt tại công trình.
  • Chất lượng thi công trên công trình được kiểm soát qua từng cấp. trước hết mọi công nhân tham gia thi công đều phải chịu trách nhiệm về chất lượng của các hạng mục công việc do mình thi công, các tổ trưởng, giám sát phải chịu trách nhiệm đảm bảo chất lượng về công việc mình thực hiện.
  • Kỹ thuật lắp đặt của Nhà thầu luôn có mặt tại công trình sẽ kiểm tra đảm bảo việc triển khai tuân theo thiết kế, chất lượng lắp đặt tại công trình & giải quyết mọi vướng mắc kỹ thuật xảy ra trong khi thi công.

 

VẬT TƯ & DỤNG CỤ THI CÔNG:

  • Các vật tư, thiết bị có yêu cầu nghiệm thu hoặc kiểm tra xác nhận trước khi lắp đặt sẽ được được đưa vào công trình sau khi có văn bản xác nhận hoặc phê duyệt của Đại diện Chủ Đầu tư.
  • Thiết bị khi đưa đến công trường sẽ được mở thùng kiểm tra theo số lượng bản kê chi tiết đóng hàng và số lượng thực tế cùng với chi tiết các bộ phận, phụ kiện và tài liệu dụng cụ đi kèm. Sau khi kiểm tra xong nếu chưa đưa vào vị trí lắp đặt ngay thì phải có biện pháp che chắn bảo vệ thiết bị.
  • Thiết bị, dụng cụ thi công bao gồm:

              – Phần lạnh: Hàn gió đá, thước đo, dụng cụ nong loe ống đồng, máy hàn điện, máy khoan, máy cắt, dàn giáo…

              – Phần điện: Đồng hồ VOM, máy khoan, máy cắt, kềm cắt dây điện, kềm bấm cos, dàn giáo…

 

AN TOÀN TRONG THI CÔNG:

  • Nhân viên kỹ thuật luôn có mặt tại công trình để giám sát & nhắc nhở việc tuân thủ nội quy an toàn. Treo bảng biểu lưu ý đầy đủ bao gồm: Nội quy công trình, An toàn là trên hết, Cấm hút thuốc, Chú ý nguy hiểm trên cao…
  • Đảm bảo an toàn PCCC: Cấm hút thuốc tuyệt đối trong khu vực thi công kho lạnh.
  • Nhân viên thi công phải tuân thủ tất cả các nội quy an toàn Công trình qui định: đảm bảo đầy đủ giày, nón bảo hộ, dây đeo an toàn…
  • Thiết bị thi công: máy hàn, máy khoan, máy cắt phải được kiểm tra và dán tem kiểm định bởi giám sát Chủ đầu tư. 

 

 

 

Cần thêm thông tin kỹ thuật vui lòng liên hệ Hotline: 0913 221 249

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!
Chat Zalo

0913.221.249